Người đứng đầu nếu không trực tiếp làm, trực tiếp dùng thì chuyển đổi số khó thành công

Nếu người đứng đầu không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng thì chuyển đổi số khó thành công – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý.

Tại hội nghị Chuyển đổi số ngành Xây dựng diễn ra hôm nay (27/8), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, triển khai định hướng của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Công tác chuyển đổi số ngành Xây dựng đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng được hợp nhất thành Cổng dịch vụ công Bộ Xây dựng. 

Hệ thống một cửa điện tử được nâng cấp, kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đang triển khai tích hợp dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID, kết nối hệ thống thanh toán điện tử, biên lai điện tử, kết nối toàn diện với hệ thống giám sát đo lường mức độ cung cấp và sử dụng Chính phủ số (EMC), tích hợp phần mềm ký số từ xa,… cơ bản đáp ứng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: T.Hà

Ngoài ra, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tính từ đầu năm 2024 đến nay đạt 87%, tăng gấp 3 lần so với năm 2020. 

Năm 2023, Bộ Xây dựng xếp thứ 6 về bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Cơ sở dữ liệu về định mức dự toán xây dựng công trình, Cơ sở dữ liệu đơn giá dự toán xây dựng công trình, Cơ sở dữ liệu giá vật liệu, giá nhân công… được triển khai và đưa vào hoạt động. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong công tác chuyển đổi số của ngành, như việc số hóa dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chậm, thiếu nguồn lực đầu tư, dữ liệu không đầy đủ, việc kết nối, chia sẻ liên thông dữ liệu còn hạn chế…

Bên cạnh đó, các nền tảng và công nghệ như AI, trợ lý ảo, BIM, GIS,… phục vụ chuyển đổi số của ngành Xây dựng còn chậm được triển khai và đưa vào ứng dụng.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành các văn bản quy định pháp luật và hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về xây dựng. 

Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng thông tin về các chức năng, hệ thống cơ sở dữ liệu nhà ở riêng lẻ, hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ cấp phép xây dựng để các địa phương tham khảo, triển khai.

Cùng với đó, các bộ, ngành sớm kết nối chia sẻ dữ liệu chung để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thay đổi cách làm, cách vận hành

Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ, những cách làm về chuyển đổi số được Bộ TT&TT rút ra sau 5 năm thực hiện chuyển đổi số quốc gia, để Bộ Xây dựng tham khảo. 

Một trong những vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ là ứng dụng Al (trí tuệ nhân tạo) để phát triển các trợ lý ảo, giúp việc cho con người. 

“Bộ TT&TT đã khởi động ba trợ lý là trợ lý cho cán bộ công chức, trợ lý phát hiện mâu thuẫn của hệ thống văn bản pháp luật giúp cho Bộ Tư pháp và Quốc hội. Trợ lý thứ ba là trợ lý hỗ trợ người dân Việt Nam về hệ thống tư pháp để người dân hỏi trước khi đến chính quyền làm việc.  

Bộ Xây dựng có thể tham khảo ngay ở Bộ TT&TT để bắt đầu. Tôi nghĩ rằng, trong năm 2025 có thể xong được trợ lý Al này nếu bộ trưởng quyết tâm chỉ đạo”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: T. Hà

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về đào đạo nhận thức chuyển đổi số cho người đứng đầu các cấp.

Dẫn chứng từ một thành phố 5 triệu dân ở Trung Quốc, thành phố chỉ có 2 drone nhưng bất kể dự án xây dựng nào cũng có thể kiểm soát được tiến độ theo ngày.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải thích, quản lý quy hoạch, quản lý các dự án xây dựng thì hàng ngày phải đến kiểm tra xem có thực hiện đúng tiến độ không, nhưng với chụp ảnh vệ tinh có thể phân tích hình ảnh chụp hàng ngày, để biết về quá trình xây dựng. Nếu thấy chưa đủ độ chính xác, có sự chậm trễ thì cử drone đến.
“Vấn đề là cần thay đổi cách làm, thay đổi cách vận hành. Nếu người đứng đầu không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng thì khó thành công” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý.

(theo VIETNAMNET)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *