Thì ra đây là lý do người quét CCCD một phát ăn luôn, người thử cả chục lần vẫn lỗi
Nhiều người khó quét NFC khi xác thực sinh trắc học và cho rằng chip trên CCCD có vấn đề, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu do thiết bị đọc hoặc thao tác sai.
Từ 1/7, người dân phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu mỗi lần hoặc lũy kế 20 triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, theo khảo sát của VnExpress từ ngày 24/6, 87% trong tổng số hơn 14.000 độc giả bình chọn gặp khó khăn khi quét CCCD bằng smartphone. Chỉ 13% cho biết thao tác diễn ra bình thường. Một số độc giả thử nhiều cách không được và cho rằng chip NFC trên CCCD gặp trục trặc.
Ông Huy Nguyễn, nhà đồng sáng lập Phygital Labs – startup nghiên cứu chuyên sâu giải pháp liên quan đến NFC để định danh số vạn vật, nói: “Xác suất chip NFC trên thẻ hoặc smartphone bị lỗi có thể xảy ra nhưng vô cùng nhỏ”.
Theo ông, để giải thích vì sao gặp khó khi quét NFC, trước tiên cần hiểu rõ công nghệ này hoạt động thế nào.
Người dùng quét CCCD gắn chip để xác thực danh tính số trên ứng dụng ngân hàng. Ảnh: Khương Nha
NFC là gì?
NFC là viết tắt của thuật ngữ Near Field Communication – công nghệ giao tiếp trường gần. Đây không phải công nghệ mới, được phát triển từ công nghệ RFID (Radio Frequency Identification – Nhận dạng tần số vô tuyến) trong nhiều thập kỷ. Hàng loạt thiết bị trong đời sống đang ứng dụng công nghệ này, như thẻ từ đi thang máy, thẻ thu phí tự động trên đường. Gần gũi hơn là tính năng thanh toán di động của Apple Pay, Samsung Pay hay Google Pay đều dùng công nghệ NFC.
RFID và NFC hoạt động theo nguyên tắc ghép cảm ứng. Khác biệt lớn nhất giữa hai công nghệ là phạm vi truyền sóng. Trong khi RFID có thể đọc ở khoảng cách vài chục mét nếu thẻ được trang bị nguồn điện, NFC có phạm vi hoạt động tối đa vài cm. Điều này nhằm hạn chế trường hợp kích hoạt ngẫu nhiên, giúp bảo mật dữ liệu nhạy cảm.
Hình dáng, kích thước của một số chip NFC. Ảnh: Phygital Labs
“Về mặt kỹ thuật, NFC là chip tĩnh, không dùng pin, không điện, không tự phát tín hiệu. Nó chỉ được ‘đánh thức’ khi được tích điện từ trường. Do đó ngoài chip được gắn trên thẻ, NFC cần thêm đầu đọc, trong trường hợp này là smartphone”, ông Huy lý giải.
Smartphone hỗ trợ quét NFC sẽ truyền từ trường qua một cuộn dây. Khi đặt gần thẻ có NFC, từ trường tạo ra dòng điện và “gọi NFC trên thẻ”, sau đó truyền dữ liệu không dây đến smartphone. Cơ chế hoạt động này khiến nhiều người thao tác trên NFC gặp khó do đầu đọc và chip phải đặt gần nhau, tích đủ từ trường mới có thể khởi động.
Yếu tố ảnh hưởng đến việc truyền dữ liệu của NFC
Từ nghiên cứu và trải nghiệm thực tế của khách hàng, ông Huy cho biết hai yếu tố ảnh hưởng đến quét NFC là hành vi người dùng và kỹ thuật.
Đầu tiên là hành vi người dùng. Nhiều người xác định được vị trí của chip NFC trên thẻ, của đầu đọc trên smartphone nên thực hiện bằng cách liên tục rà khắp vị trí.
“Như đã giải thích về cách NFC hoạt động, người dùng cần cố định chip, đặt thiết bị đủ gần và để smartphone có thời gian đọc. Việc rà thẻ khiến chip chưa được tích đủ từ trường để truyền dữ liệu đã mất kết nối. Sau vài lần thử không được, nhiều người hoang mang nghĩ điện thoại có vấn đề, chip trên thẻ bị lỗi và không kiên nhẫn làm lại”, ông Huy nhận định.
Theo nhà đồng sáng lập Phygital Labs, nguyên nhân này chiếm hơn 90% trường hợp quét NFC không thành công.
Xác xuất còn lại thuộc về yếu tố kỹ thuật. Trong đó, ăng-ten là phần quan trọng nhất của chip NFC. “Chip càng lớn, ăngten bắt sóng càng lớn. Nếu chip quá nhỏ, việc quét sẽ gặp khó khăn. Chip trên thẻ hiện tại của người dân gần như không có vấn đề gì về kích thước”, ông Huy nói. Ông không loại trừ khả năng điện thoại có hỗ trợ NFC nhưng phần vi mạch đọc thẻ bị lỗi, xác suất này “rất nhỏ” nhưng vẫn có thể xảy ra.
Một yếu tố khác tác động đến truyền dữ liệu là bề mặt chip bị che. Vì NFC được kích hoạt bằng từ trường, nếu chip bị phủ bởi lớp kim loại có thể làm năng lượng bị phân tán, không đủ để “đánh thức” chip NFC trên thẻ, việc quét cũng thất bại. Hoặc khi ở dưới nước, chip không có mạch chịu nước cũng sẽ ảnh hưởng đến việc truyền dữ liệu.
Về việc cùng một smartphone và một thẻ CCCD gắn chip, người dân có thể quét NFC trên ứng dụng công như VNeID nhưng gặp lỗi trên một số ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, chuyên gia cho rằng điều này đến từ thứ tự ưu tiên trên thiết bị hoặc ứng dụng.
“Ví dụ trên iPhone, cùng lúc thiết bị sẽ thực hiện nhiều tác vụ, theo thứ tự ưu tiên như tìm kiếm wifi rồi đến 4G. NFC thường được xếp trong nhóm sau cùng. Một số người mở ứng dụng, quét NFC sẽ nhanh và ổn định hơn do nhà phát triển đã viết lại thứ tự ưu tiên của thiết bị, tùy mục đích như thanh toán hay gửi tin”, ông Huy nói.
Lưu ý giúp quét NFC thành công
Hầu hết smartphone trên thị trường hỗ trợ NFC. Từ iPhone 6, Apple đã tích hợp thêm công nghệ này nhưng phải đến iPhone X, hãng mới mở rộng khả năng đọc nhiều chip NFC hơn.
Trước khi thực hiện quét, người dùng cần xác định smartphone có hỗ trợ NFC không và kích hoạt nếu cần. Trên iPhone X trở đi, vào Cài đặt -> Phím tắt -> Tự động hóa -> NFC -> Kích hoạt. Trên smartphone Android, vào Cài đặt -> Kết nối -> NFC -> Kích hoạt.
Sau đó, cần xác định vị trí chip NFC trên thẻ và đầu đọc trên smartphone. Trên CCCD gắn chip, NFC được đặt ẩn dưới khu vực mộc đỏ, không phải cụm chip bằng đồng lộ ra ngoài. Trên iPhone, ăng-ten đọc chip thường ở mặt lưng, gần cạnh trên của máy. Còn trên thiết bị Android, mỗi nhà sản xuất lại đặt ở một vị trí khác nhau.
Xác định vị trí đầu đọc NFC trên smartphone. Nguồn: Phygital Labs
Khi quét, người dùng nên cố định thẻ trên mặt phẳng, sau đó đưa đúng điện thoại vào vị trí đã xác định, giữ yên và chờ kết nối. Một số yếu tố như ốp lưng, túi nhựa bảo vệ CCCD cũng có thể ảnh hưởng đến việc truyền sóng.
Cuối cùng, nếu đã thử làm theo hướng dẫn nhưng không thành công, người dùng nên đến quầy giao dịch gần nhất của ngân hàng để được hỗ trợ trực tiếp.
(Theo VNREVIEW)